Dẫu biết tình trạng “quá tải” là chuyện xảy ra thường xuyên đối với những bệnh viện lớn, bệnh viện chuyên khoa ở Sài Gòn.
Vì nơi đây xem như là những bệnh viện tuyến cuối, tuyến trên hội tụ những y bác sĩ giỏi, những thiết bị máy móc y khoa hiện đại…chính vì thế bệnh nhân không chỉ dành cho các cư dân thành phố mà còn từ các tỉnh thành khác đổ về…luôn luôn Quá Tải!

Khi cho con cấp cứu và làm thủ tục nhận phòng – giường bệnh để ở lại điều trị.
“Cho bé nằm đây, hiện tại nằm 1 mình nhưng có thể nằm 2-3 bé. Tôi nói trước để có gì không thắc mắc là sao nhồi nhét”…Cô y tá hay điều dưỡng, hộ lý gì đó hướng dẫn.
Nghĩ trong đầu… “cũng tạm ổn, dù sao hiện tại cũng được nằm riêng 1 giường. 2 bố con nằm thoải mái. Không phải nằm hành lang như 1 số người”.


1 góc hành lang của bệnh viện nhi.

Bế con lên nằm nghỉ, sắp xếp lại 1 số đồ đạc mang theo…bỗng nghe tiếng ho sù sụ kéo dài của 1 bé ( hơn con mình 1 tuổi) bên phải sát cạnh giường
Chưa dừng lại ở đó, thêm đứa bé (nhỏ hơn con mình 1 tuổi) ở phía bên trái cũng ho theo, kèm theo 2 hàng nước mũi thò lò.
“Có gì đó không ổn ở đây?” Hỏi thử thì ra đứa viêm phổi, đứa viêm phế quản.
Nghĩ trong đầu: “Đm…con mình viêm Amidan cấp tính, nghi ngờ nhiễm trùng máu mà sao nằm phòng gì toàn bệnh liên quan đến Phổi, ho đờm, mũi dãi kiểu này không khéo lây theo”.
Có chút hoang mang nhưng biết sao bây giờ. Xoay đủ tư thế để tìm khoảng cách “xa nhất” có thể đối với các bé đang ho sù sụ kia.

Nhắn viber nói chuyện với vợ để tìm cách liên hệ nhờ vả sự quen biết để đổi phòng khác.
Vợ bảo tạm thời đeo khẩu trang cho con đi. Khổ nổi con mình nó có cái bệnh mút tay dễ gì chịu đeo khi đang lừ đừ nằm vừa mân mê cái gối ghiền vừa mút ngón tay như 1 thói quen.

Nhà vệ sinh…dùng chung của nhiều phòng. Tuy khoảng cách không xa lắm nhưng cũng là sự bất tiện so với “dùng riêng” của mỗi phòng.
Mỗi lần rửa ráy hay đi “xả nước cứu thân” đều nhanh nhanh tranh thủ vì sợ con bé nằm ngoài 1 mình ko yên.
Lại nhắn tin tâm sự với vợ, chỉ cầu ko bị “đau bụng và đại tiện”…Vợ bảo “anh cho con đeo khẩu trang rồi dắt con vào theo luôn.”
WTF!!! Chưa bao giờ có cảm giác cái khẩu trang nó thần thánh đến vậy. Nhưng ai mà làm vậy được.

Những cái bất tiện cứ thế xảy ra liên tiếp khi mà chỉ có 2 bố con ở với nhau.
Chăm bệnh người lớn khác, chỉ cần 1 người là đủ. Nhưng khi chăm con nhỏ thì quả thực là khó. Có làm gì cũng phải để ý đến con.
Người ta có vợ có chồng, thậm chí có bà nội hoặc bà ngoại chăm cùng để có ai làm gì thì cũng luôn có người ở lại với con.
Thèm ly cafe cũng ko dám đi, đi lấy thuốc hay đi đóng tiền tạm ứng này nọ..cũng phải ẵm theo.
Con bé cứ mếu máo “Bố bế con đi đâu vậy?” “Bác sĩ làm gì con vậy bố?”… vì con bé quá ám ảnh với bác sĩ ngay từ buổi đầu nhập viện lấy máu, soi họng…
Ở nhà đứa con út đang bệnh sốt xuất huyết cũng đáng lo, bà nội và mẹ nó cũng quần quật với thằng nhỏ hàng đêm để trông chừng.
Đêm đầu tiên với bao bộn bề suy nghĩ và lo âu. Chưa bao giờ rơi vào cái hoàn cảnh tệ hại này.
Phúc bất trùng lai họa vô đơn chí!

5-7h sáng là giờ thăm bệnh, ngủ chưa đã giấc nhưng cũng phải dậy sớm vì Loa đọc thông báo, gọi tên ra rả.
Đội quân hàng rong thì xộc thẳng vào từng phòng bệnh… “bánh mì, bánh giò, xôi mặn đê”…”Trà tắc, cafe đá, cafe sữa hông”…
Một “nhịp sống mới giữa lòng Sài Gòn” mà mình cần tạm tập quen dần ít bữa vậy.

Cũng may, còn đó ông nội chạy ra chạy vào đưa cơm, đưa cháo, đưa vật dụng linh tinh.
Cũng may, nhờ sự quen biết và nhiệt tình của bác sĩ mà 2 bố con được ưu tiên sắp xếp chuyển qua phòng Dịch vụ.
Phòng máy lạnh sạch sẽ, toilet riêng trong phòng và quan trọng ít bệnh nhi, giường kê cách xa nhau…cảm giác an tâm hơn.
Phòng-giường dịch vụ số lượng thì có hạn, người giàu và có điều kiện thì cũng có đầy. Ai cũng muốn tốt cho con em mình. Nhưng cái sự “Quá tải” nó khiến cho tiền bạc chỉ là điều kiện cần thôi chứ chưa đủ để được ưu tiên nếu như không có sự quen biết.

Đêm thứ 2 con ngủ ngon hơn, bố cũng an tâm hơn khi không phải thường xuyên lau mồ hôi cho con như đêm đầu.
Cũng may tình hình sức khỏe con tốt và được ra viện sớm…mừng như trúng số.

Trẻ <5 tuổi các chi phí khám, thuốc men, giường nằm loại 1 đều do BHYT chi trả, ngoại trừ những cái gì liên quan đến “dịch vụ”.
Ra về còn được quà của phòng Công Tác Xã Hội : 2 hộp sữa + cái bánh ngọt.
Nói chung ngành Y Tế cũng có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo về CSVC và sự “Quá Tải”.

Sợ lắm phải không con gái! Cố gắng khỏe mạnh để đừng bao giờ vô đây nữa nhé!

Nhật ký của 1 người Bố chăm con gái nằm viện 8/2018