Tìm hiểu về chữ Quốc Ngữ
Tên gọi chữ quốc ngữ được dùng để chỉ chữ quốc ngữ lần đầu tiên vào năm 1867 trên Gia Định báo. Tiền thân của tên gọi này là tên gọi chữ Tây quốc ngữ, có nghĩa là văn tự tiếng Pháp. Về sau từ Tây (chỉ nước Pháp) bị lược bỏ khỏi tên gọi để chỉ còn là chữ quốc ngữ, có nghĩa là văn tự tiếng Việt. Quốc ngữ nghĩa mặt chữ là ngôn ngữ quốc gia, ở Việt Nam trong thời kỳ này nếu không có từ bổ nghĩa kèm theo cho thấy từ quốc ngữ được dùng để một ngôn ngữ nào khác như từ Tây trong Tây quốc ngữ (chỉ tiếng Pháp) thì quốc ngữ mặc định là chỉ tiếng Việt.

Các cột mốc hình thành
Xuất hiện phôi thai từ lâu, có lẽ ngay từ năm 1533 khi giáo sĩ phương Tây tên là I-nê-khu đi từ đường biển vào truyền đạo Thiên Chúa ở tỉnh Nam Định (giáo phận Bùi Chu). Các giáo sĩ Tây phương đầu tiên đến Việt Nam và giao tiếp với người Việt rồi vì nhu cầu học hỏi ngôn ngữ Việt (lúc đó còn dùng chữ Hán và chữ Nôm) để giao tiếp với người bản xứ mà bắt đầu ghi lại bằng cách phiên âm tiếng Việt dưới dạng chữ La tinh. Trước tiên là các giáo sĩ Bồ Đào Nha dòng Phanxicô; kế đến là các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Đa Minh rồi dòng Tên. Sang thế kỷ XVII thì số văn tịch ghi lại dấu vết loại chữ này càng nhiều, kèm theo những biến đổi hoàn chỉnh với ký hiệu thanh giọng thêm chính xác. Tên tuổi những giáo sĩ đã tiên phong góp công trong việc hoàn chỉnh lối chữ này gồm có Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa và Francisco de Pina.

Giáo sĩ Đắc Lộ (tức Alexandre de Rhodes) người Pháp được coi là người có công nhiều trong việc định chế chữ quốc ngữ qua cuốn tự điển phiên âm Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum mà ông soạn và in ra năm 1651. Tuy là người Pháp nhưng ông lại dùng tiếng Bồ Đào Nha trong cuốn tự điển cùng những đóng góp của tiếng Ý và tiếng Pháp. Soạn giả còn ghi rõ ông mượn dấu sắc, huyền, ngã từ tiếng Cổ Hy Lạp mà vẫn không đủ nên phải thêm iota subscriptum (dấu nặng) và dấu hỏi để biểu lộ thanh giọng của tiếng Việt.

Chân dung của Alexandre de Rhodes – người góp công lớn hình thành chữ Quốc Ngữ

Một mốc quan trọng của chữ Quốc ngữ là cuốn tự điển của giáo sĩ Jean-Louis Taberd, in năm 1838, căn cứ vào những sửa chữa của Giám mục Bá Đa Lộc.

Chữ Quốc ngữ trên chặng đường hơn 300 năm vẫn không được công nhận là văn tự chính thức cho tới khi người Pháp xâm lăng, chiếm lấy Nam Kỳ vào cuối thế kỷ XIX.

Ngày 22 tháng 2 năm 1869 Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Nho trong các công văn ở Nam Kỳ.

Nghị định 82 ký ngày 6 Tháng 4, 1878 do Thống đốc Nam Kỳ Lafont ký cũng đề ra cái mốc hẹn trong bốn năm (tức năm 1882) thì phải chuyển hẳn sang chữ Quốc ngữ.

Ngày 1 Tháng Giêng năm 1879 thì lại có lệnh khẳng định các văn kiện chính thức phải dùng chữ Quốc ngữ. Cũng năm đó chính quyền Pháp đưa chữ Quốc ngữ vào ngành giáo dục, bắt đầu ở các thôn xã Nam Kỳ phải dạy lối chữ này.

Để khuyến khích việc truyền bá chữ Quốc ngữ, nhà chức trách thuộc địa Nam Kỳ còn ra nghị định ngày 14 Tháng 6 năm 1880 giảm hoặc miễn thuế thân và miễn sưu dịch cho thân hào hương lý nếu họ biết viết chữ Quốc ngữ.

Gia Định Báo, một tờ báo do Trương Vĩnh Ký làm chủ biên phát hành, là tờ báo đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, so với ngày nay thì câu văn đã thêm phần mạch lạc, chính tả không mấy khác biệt.


Trương Vĩnh Ký và tờ báo Gia Định -tờ báo đầu tiên viết bằng chữ Quốc Ngữ

Nguồn tổng hợp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *