Trong Kinh tế học luôn giả định con người là “duy lý”, tức là họ sẽ luôn tìm cách “tối đa hóa lợi nhuận” hoặc “tối thiểu hóa lỗ lã”. Như vậy, nếu hàng bị ế thì những người “duy lý” sẽ tìm cách hạ giá xuống dù có thể là 1000 đồng/chậu, còn hơn là bị lỗ. Tất nhiên đây là với những hàng rẻ tiền như cúc, còn với những loại cây mắc tiền và có thể trồng tới năm sau, chi phí chở về không quá cao thì đa số người bán sẽ chọn là chở về còn hơn bán thấp dưới lợi nhuận kỳ vọng. Nhưng năm nay có một số người “đập hoa”, tức là đi ngược lại với cách hành xử “duy lý” được mặc định trong cách hiểu thông thường của Kinh tế học hay tư duy bình thường (common sense) của đa số mọi người. Vậy làm sao để “giải thích” những hành vi này và có nên như nhiều người đề nghị là nên “giúp” những người bán hoa bằng cách đi mua “sớm” hơn, đồng nghĩa là mua với giá “cao hơn” hay không? Có nên trách những người “tham” nên chỉ thích mua hoa rẻ, thậm chí muốn hốt miễn phí hay không?

Về những người “đập hoa” thì có vẻ là họ đi ngược lại với tư duy thông thường như đã nói ở trên nhưng thực ra về mặt “tâm lý” cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Các nhà Kinh tế học hành vi đã chứng minh rằng con người không phải lúc nào cũng hành xử “duy lý”, tức là đề cao “tiền bạc” lên trên hết. Có những người sẵn sàng bán sổ để gỡ được đồng nào hay đồng đó. Có những người lại thích “đập” hoa cho sướng tay. Nhiều người có thể trách họ là “điên”. Cũng có thể họ “điên” thật nhưng cũng như người ta đổ tiền vào thuốc lá, rượu bia chả hạn. Bỏ tiền ra hút thuốc, uống rượu bia thì khác gì tích chất độc vào người đâu nhưng người ta vẫn làm đó thôi. Tại sao? Tại vì thuốc lá, rượu bia mang lại cho người ta cảm giác “phê”. Vậy thì được tự tay đập hoa của mình, nó mang lại cảm giác “sung sướng” của người “không được ăn thì đạp đổ” cũng là hợp lý và bình thường còn hơn là bán rẻ, có ít tiền mà lại tức. Khi họ “đập hoa” thì chất dopamin trong não tiết ra làm họ sung sướng hơn khi bán 10.000 đồng/chậu chả hạn. Cũng như Bao Tự hồi xưa nghe tiếng xé lụa mới cười nên vua cho người xé không biết bao nhiêu lụa quý để mua tiếng cười của Bao Tự.

Về những người hay để đến cuối ngày 30 Tết mới mua thì có nên “trách” họ hay không? Ai đã học Kinh tế vi mô đều biết là khi con người bỏ tiền ra mua một loại hàng hóa nào đó thì đó là vì hàng hóa đó mang lại cho họ một mức độ “thỏa dụng” xứng đáng với số tiền mà họ bỏ ra. Có những người sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu để mua dàn máy chơi game hoặc vài trăm triệu để mua dàn nghe nhạc xịn vì mức độ “sẵn lòng chi trả” (willingness to pay) của họ với món đồ đó cao. Những người không thích chơi game hay nghe nhạc sẽ cho rằng những người kia quá lãng phí nhưng tất nhiên những người bỏ tiền ra mua lại không nghĩ rằng như vậy. Cũng như thế với những người mua hoa. Những người “thích” hoa, đánh giá cao mức độ hữu dụng của hoa thì họ đã mua sớm để trưng được nhiều, mua được hoa đẹp. Có những người bỏ hàng chục, hàng trăm triệu mua cây để trưng Tết vì họ cho rằng cây hoa mà họ bỏ tiền ra mua “xứng đáng” với số tiền đó. Còn những người “ít” thích hoa hơn hoặc gần như không thích gì cả thì sẽ chỉ chấp nhận bỏ một số tiền ít hơn hoặc thậm chí cho miễn phí họ mới lấy. Điều này hoàn toàn thuộc về sở thích cá nhân và không thể trách bất cứ ai vì sở thích riêng của họ. Họ ít thích mua hoa mà thích mua nhiều thịt để ăn, như vậy họ không “giúp” người trồng hoa nhưng đang “giúp” người nuôi heo chả hạn.

Như vậy có nên “giúp” những người bán hoa bằng cách đi mua hoa sớm hơn, đồng nghĩa với mua giá cao hơn không? Như đã phân tích ở trên thì điều này hoàn toàn không hợp lý vì việc lựa chọn mua “sớm” hay “trễ”, đồng nghĩa với mức độ sẵn lòng chi trả cho một món hàng nào đó là phụ thuộc vào sở thích riêng của mỗi người, không thể gượng ép được. Chẳng hạn nếu năm 2018, dù mức độ “sẵn lòng chi trả” của họ thấp nhưng vì được “khuyến khích” bởi những lời hô hào đi mua sớm, lợi nhuận của những người bán hoa sẽ lớn hơn và do đó kích thích người bán hoa sẽ trồng nhiều hoa hơn vào năm 2019. Nhưng do “sở thích” là khá bền vững nên phần chắc là năm 2019, những người đã “chót dại” đi mua hoa sớm vào năm 2018 sẽ không đi mua nữa và những người trồng hoa sẽ bị ế và lỗ lớn hơn nhiều. Chưa kể là do dồn nhiều tiền mua hoa vào năm 2018 thì người tiêu dùng sẽ không còn ngân sách để mua các mặt hàng khác và những người bán các mặt hàng khác sẽ bị ế ẩm.

Người dân Sài Gòn phụ tiểu thương bán tháo hoa 30 Tết

Nói thêm rằng một số bài báo cho rằng những người bán hoa đập hoa để không tạo tâm lý “ỷ lại” cho người tiêu dùng là năm sau sẽ đi hốt hoa chùa vào cuối ngày 30. Điều này cũng hoàn toàn sai vì trong một thị trường có quá đông người bán và người mua thì việc “đập hoa” của một số nhỏ người bán như vậy sẽ chả có tác động gì tới thị trường cả. Trừ phi có “hiệp hội” những người bán hoa đồng lòng với đề xuất là sau 5g chiều, tất cả cùng không hạ giá mà “đập” hết thì may ra mới có tác động tới người tiêu dùng. Ai học Kinh tế vi mô chương Cạnh tranh hoàn hảo hay Độc quyền nhóm mà còn nhớ thì đều hiểu điều này.

Tóm lại là trong một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa sẽ đề cao sự tự do lựa chọn của mỗi cá nhân, đề cao sở thích của mỗi cá nhân thì những vấn đề kiểu này hoàn toàn nên để thị trường tự điều tiết. Như ở chợ nhà tớ năm trước hoa về nhiều có vẻ ế, năm nay hoa ít hơn nên đến chiều ngày 30 đã bán gần hết sạch, giá vẫn giữ khá cao và thậm chí còn thấy nhiều xe tải chở hoa ở nơi khác mang tới bán. Ai hay đi mua hoa sẽ biết giá không hề rẻ so với bình thường. Ví dụ điển hình là hoa dừa cạn trước Tết là 20k/chậu, trong Tết ở các vựa hoa bán thành 25K thì lúc 5g chiều tớ đi hỏi ở chợ hoa chỗ thấp nhất vẫn 25K/chậu và có chỗ vẫn đòi 30K. Về tổng thể những người bán hoa không hề lỗ (dù một số cá nhân sẽ bị lỗ) vì nếu tất cả cùng lỗ thì người ta đã chả đi bán hoa làm gì (trừ các em gái bán hoa không tính)

Nguồn Facebooker Kien Tran

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *