Làng Chí Hòa
Có khá ít tài liệu khẳng định rõ vị trí làng Chí Hòa xưa (các nhà sử học, học giả chủ yếu tập trung viết về Đại Đồn Chí Hòa). Vì vậy Cuộc Sống Sài Gòn tổng hợp lại 1 số ý kiến ghi nhận các dấu tích có liên quan đến địa danh Chí Hòa để hình dung được vị trí địa lý của làng Chí Hòa xưa.

-Dấu tích thứ nhất: Đình Chí Hòa tại số 475 đường Cách Mạng Tháng Tám, P.13, Q. 10. Theo thông lệ từ thời Hậu Lê, triều đình quy định mỗi làng phải dựng một ngôi đình để thờ phụng Thần Thành Hoàng có chức năng phù hộ cho tất cả thành viên trong làng. Có thể hiểu rằng đình ở đâu thì làng ở đó!
Đình Chí Hòa- Ảnh tìm kiếm

-Dấu tích thứ hai: Khám Chí Hòa, 1 trại giam do Pháp xây năm 1943, địa chỉ số 324 đường Hòa Hưng, P. 13, Q. 10, TP.HCM. Trại có hình bát giác với 8 cạnh đều nhau, gồm 3 tầng lầu, trải rộng diện tích 7ha.

-Dấu tích thứ ba: Nghĩa địa Ðô Thành Chí Hoà rộng 25ha, cổng chính hướng ra đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám, thuộc Q.10).Nghĩa địa Chí Hòa vốn là nghĩa trang của đa số người bình dân đất Sài Gòn – Gia Định,trong đó có nhiều lính chết trận vô danh.

– Dấu tích thứ tư: Nhà thờ giáo xứ Chí Hòa, số 149 đường Bành Văn Trân, P.7, Q. Tân Bình, cách đình Chí Hòa khoảng 3km, gần như tương ứng với chiều sâu của đại đồn Chí Hòa xưa. Giáo xứ Chí Hòa thành lập năm 1890 với tên là Thạnh Hòa, đến năm 1910 mới đổi thành Chí Hòa cho tới ngày nay.

Nhà thờ Chí Hòa – Ảnh tìm kiếm

– Dấu tích thứ năm: Đình Ông Súng cách đình Chí Hòa về phía Thị Nghè, khoảng 2km đường chim bay. Địa chỉ tại số 394A đường Lê Văn Sỹ, thuộc P.14, Q.3. Theo như nội dung bài vị có tại đình thì đình Ông Súng vốn thờ phụng viên chánh lãnh binh Lê Đường Cung – người từng chiến đấu và hi sinh rất hiển hách tại làng Chí Hòa ngày xưa, khi đại đồn Chí Hòa bị Pháp tấn công năm 1861.
Ban đầu đặt tên là miếu Chí Bửu để qua mắt thực dân Pháp cùng tay sai.
Khẩu súng đại bác đã từng vào trận với ông cũng được đưa vào trong miếu và lâu ngày trở thành một vật thiêng. Sau nhờ có nhiều bá tánh ủng hộ, quyên góp nên ngôi miếu được xây dựng thành một ngôi đình và dân trong vùng gọi là đình Ông Súng.


Đình Ông Súng- Ảnh tìm kiếm

Như vậy, với những dấu tích liên quan đến địa danh Chí Hòa, có thể suy luận làng Chí Hòa phải là 1 khu vực rộng lớn bao trùm xung quanh các vị trí Đình Ông Súng (quận 3), Đình Chí Hòa, Khám Chí Hòa, Công viên Lê Thị Riêng (quận 10) và nhà thờ Chí Hòa (quận Tân Bình).

Đại Đồn Chí Hòa
Đại đồn Chí Hòa (gọi tắt là Đại đồn) nằm ở làng Chí Hòa thuộc Gia Định xưa.
Đại đồn lớn gấp 15 lần thành Gia Định (thành Gia Định bị Pháp phá hủy sau khi xâm chiếm vào 1859). Cụm đồn lũy Chí Hòa chỉ tính riêng khu vực chính (đại đồn) đã gần 3km2 (300 ha).

Người xây dựng đầu tiên là thượng thư bộ Hộ Tôn Thất Hiệp đã sai lính đắp đồn Tiền trên đường Thiên Lý (nay là Cách Mạng Tháng Tám) đi Tây Ninh. Đồn Hữu (phải) và đồn Tả (trái) hai bên.
Năm 1860, Triều đình Huế cử Nguyễn Tri Phương vào Nam 1860, ông được sung chức Gia Định quân thứ, Thống đốc quân vụ cùng Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển trông coi việc quân sự ở miền Nam. Ông đã tu bổ, xây dựng vững chắc, quy mô hơn phòng tuyến đồn lũy, hình thành rõ nét đại đồn Chí Hòa.
Nguyễn Tri Phương đã chủ trương xây dựng đại đồn Chí Hòa (về sau người Pháp gọi là Kỳ Hòa) để bao vây, bức rút quân Pháp. Tuy nhiên, sau vào ngày 25 tháng 10 năm 1861, quân Pháp đã tiến hành công phá đại đồn. Ông chỉ huy quân lính chống cự quyết liệt nhưng rồi bị thương, đại đồn thất thủ, Gia Định lại bị chiếm.


Vị trí đại đồn Chí Hòa trên bản đồ Sài Gòn và vùng phụ cận 1892. Lúc này con rạch tự nhiên tạo nên góc lõm của đại đồn vẫn còn. Bên hông đại đồn là Đầm Sen. Khi tấn công đại đồn, liên quân Pháp – Tây Ban Nha phải đánh vòng qua đây – Ảnh tư liệu – Đồ họa Trị Thiên

Theo bản đồ của Léopold Pallu, đại đồn có hình thang dài, đáy lớn lõm ở giữa (theo hình thế một con rạch tự nhiên chảy ra kênh Nhiêu Lộc - con rạch này giờ không còn), cắt qua Cách Mạng Tháng Tám hiện nay ở đoạn đường Bắc Hải. Đáy nhỏ nằm khoảng khu vực đường Trương Công Định, Bàu Cát (Tân Bình).

Đại đồn nằm dài theo đường Thiên Lý (nay là Cách Mạng Tháng Tám - trên bản đồ hiện nay chiều dài này khoảng gần 3km). Bản đồ vẽ rất rõ đồn gồm năm khu vực ngăn cách nhau theo chiều ngang này; mỗi khu vực như một thành lũy riêng biệt, qua lại bằng những cánh cổng lớn chắc chắn như cổng thành.
Có lẽ thiết kế này để phòng khi khu vực nào thất thủ, quân đồn trú có thể rút sang khu vực khác và thực tế đã xảy ra như vậy khi Pháp tấn công đại đồn sau này.

Riêng khu vực cuối cùng có thêm một tường bao bên trong và hai đồn lớn bên ngoài, theo bản đồ hiện nay một ở khoảng ngã tư Bảy Hiền và một ngay cạnh vòng xoay Lăng Cha Cả. Bản đồ ghi fort des Mandarins (đồn chỉ huy).
Đầm Sen gần đại đồn được tận dụng che chắn cạnh dài phía nam đại đồn. Và thực tế, khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công, họ đã phải đánh vòng qua khu đầm này.

Nguồn tổng hợp.
Tham khảo thêm tại tuoitre

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *