Có khá nhiều bài viết, tài liệu đã đề cập đến danh hiệu này.
“Cuộc sống Sài Gòn” sẽ trích lại cũng như tổng hợp 1 số ý kiến liên quan để người đọc có thể hình dung và cảm nhận riêng.

Đầu tiên tìm hiểu về 2 từ “Viễn Đông”: Viễn Đông là một từ dùng để chỉ các quốc gia Đông Á.
Theo địa lý bao gồm các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản…
Theo cách sử dụng của các chuyên gia nghiên cứu về Đông phương thì nó có nghĩa là một sự cách xa về cả mặt địa lý cũng như văn hóa; có nghĩa là một địa phương không chỉ xa về mặt địa lý mà cũng xa lạ về mặt văn hóa (Theo Wiki)

Ngay sau khi chiếm được thành Gia Định vào năm 1859, người Pháp gấp rút quy hoạch lại Sài Gòn thành một đô thị lớn phục vụ mục đích khai thác thuộc địa.
Đây được xem là thủ phủ của Đông Dương về kinh tế, giải trí để cạnh tranh với Singapore,Ấn Độ của người Anh.

Theo bản đồ được công bố vào ngày 13/5/1862, quy hoạch ban đầu của Sài Gòn bao gồm cả tỉnh Chợ Lớn với khoảng 500.000 dân, tức khoảng 20.000 dân/km2.
Nhưng đến 1864, nhận thấy diện tích dự kiến của thành phố quá rộng, khó bảo đảm về an ninh, Soái phủ Pháp ở Nam Kỳ (Gouverneur Amiral de la Cochinchine) lúc đó là Chuẩn đô đốc Pierre Rose quyết định tách Chợ Lớn khỏi Sài Gòn. Ngày 3/10/1865, Pierre Rose ra lệnh quy hoạch lại Sài Gòn chỉ còn là khu vực nằm giữa rạch Thị Nghè, sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé và đường mới khu cầu Ông Lãnh hiện nay. Toàn bộ quy hoạch chỉ còn rộng khoảng 3 km2.

Dưới sự chỉ huy của trung tá công binh Coffyn, Sài Gòn được quy hoạch lại theo lối phương Tây. Rất nhanh chóng, các công trình quan trọng của thành phố, như Dinh Thống đốc Nam Kỳ, Dinh Toàn quyền, được Pháp thiết kế và huy động nhân công xây dựng. Sau hai năm người Pháp xây dựng và cải tạo, khu quy hoạch rộng khoảng 3 km2 nói trên đã hoàn toàn thay đổi.

Tuyến đường Catinat (Đồng Khởi ngày nay) được ví như trái tim của Sài Gòn khi tập trung nhiều điểm vui chơi, giải trí của thành phố. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn mọc lên dọc trục đường đã quy tụ giới tinh hoa, giàu có về tiêu xài, hưởng thụ.

Các công trình được xây trên khu đất đẹp, cao ráo, hướng ra dòng sông uốn lượn bao quanh là rừng. Trên kênh Lớn (đường Nguyễn Huệ nay) hay kênh Xáng (đường Hàm Nghi) có những khu chợ thông thương với sông Sài Gòn tấp nập người mua kẻ bán. Một thị trấn giữa rừng dần chuyển mình phát triển.

Chính quyền thuộc địa Pháp tập trung tất cả những gì sang trọng, giàu có nhất mà họ có được ở diện tích 3km2 này, phần còn lại của Sài Gòn thì vẫn còn rất hoang sơ, đầm lầy ngổn ngang.

Một vài góc nhìn Sài Gòn thời thuộc Pháp (từ trái qua phải, trên xuống dưới): Phía sau Nhà hát lớn nhìn ra đường Nguyễn Huệ, Ngã tư Nguyễn Huệ – Lê Lợi, Nhà hát lớn nhìn từ đường Lê Lợi, rạch Thì Nghè khu vực Đa Kao – Ảnh tư liệu

Những thương nhân ở Ấn Độ, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ… khi dong thuyền vượt biển qua trao đổi, buôn bán đều ấn tượng với thành phố mới nổi này. Họ neo thuyền dọc cảng Bến Nghé, Bạch Đằng lên bờ mua vải vóc, lụa là, châu báu rồi ghé những khu vui chơi sầm uất gần đó. Những thương thuyền này sau đó truyền miệng nhau tên gọi “Hòn ngọc Viễn Đông” – mỹ danh của Sài Gòn ra khắp thế giới.

Cảng Saigon 1866 – Ảnh tư Liệu

Có 1 lý giải khác của kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn liên quan đến những thương nhân, thương thuyền: “Sau chuyến hải hành kéo dài cả tháng trời, từ hải cảng Marseille miền nam nước Pháp qua Địa Trung Hải, xuyên kênh đào Suez vượt Ấn Độ Dương sóng to gió lớn, lách qua eo biển Malacca vào vịnh Ghềnh Rái, không khó để suy ra tâm trạng mệt nhọc, buồn chán của khách lữ hành, cả tháng ròng chỉ thấy trời và nước.

Cung cuối chặng đường khi trạng thái rã rời đã lên đến đỉnh điểm, chuyến hải trình theo sông Lòng Tàu xuyên qua rừng đước Cần Giờ, một thứ rừng ngập mặn nhiệt đới mà nhiều người châu Âu chưa gặp bao giờ, cảm giác xa lạ tưởng như càng đi càng xa thế giới văn minh phương Tây quen thuộc.

Trong tâm trạng cùng cực của cô đơn ấy, bỗng một chiều bừng sáng một thành phố mang nét phương Tây ngay khi tàu cập cảng Sài Gòn.

Ngủ khách sạn Continental, khách sạn Majestic, ăn thịt bò beefsteak, uống rượu chát vùng Bordeaux, thưởng thức xì gà La Habana, săn bò rừng, lấy da cọp, hút thuốc phiện và chơi gái xuân thì, với thủy thủ tàu viễn dương và đám thực dân đến từ Viễn Tây, Sài Gòn được ngợi ca là “Hòn ngọc Viễn Đông” đâu có gì lạ…

Theo Kiến trúc sư Khương Văn Mười, lúc Sài Gòn được xem là “Hòn ngọc Viễn Đông” thì thành phố có quy mô nhỏ, phạm vi chỉ gói gọn ở trung tâm Sài Gòn ngày nay. Mỹ danh này cũng sớm kết thúc vào giữa thế kỷ 20.

Do chiến tranh cũng như người dân nông thôn đổ về thành phố ngày một đông khiến nó bị quá tải. Sài Gòn xuất hiện nhiều khu ổ chuột, người dân sống nhếch nhác ven kênh rạch, điều kiện vệ sinh, an ninh kém.

Còn PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Kinh tế Việt Nam – cho rằng, thập niên 60-70, Sài Gòn vẫn được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” – thành phố được định danh duy nhất ở khu vực. Trong khi Singapore lúc đó chỉ là đảo quốc hoang vu, Bangkok cũng ít người nhắc đến. Những quốc gia này lấy Sài Gòn như hình tượng để phát triển theo.

Có thể lý giải ý kiến trên là vào nửa cuối thập niên 1950, nhờ viện trợ của Chính phủ Hoa Kỳ, Sài Gòn trở thành một trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, giải trí tại miền Nam Việt Nam, là thành phố lớn nhất của kinh tế Việt Nam Cộng hòa. Từ giữa thập niên 1960 đến những năm đầu thập niên 1970, việc Quân đội Hoa Kỳ vào tham chiến tại miền Nam Việt Nam cũng gây nên những xáo trộn đối với thành phố. Nhiều cao ốc, công trình quân sự mọc lên. Lối sống của giới trẻ Sài Gòn cũng chịu ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây được du nhập từ binh lính và sách báo Mỹ.

Đường phố Sài Gòn 1969.


Appe Three – ban nhạc 3 cô gái chuyên biểu diễn ở các hộp đêm với lối ăn mặc vô cùng gợi cảm

Nguồn : Wiki + Sưu tầm.

By admin

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *