Lê Văn Duyệt (1763 hoặc 1764 – 28 tháng 8 năm 1832) còn gọi là Tả Quân Duyệt, là một nhà chính trị, quân sự tài ba người Việt Nam.
Tiểu sử trên wiki có ghi rõ, vì vậy CSSG xin vắn tắt các ý chính có liên quan đến Gia Định

Năm 1871: Lê Văn Duyệt gia nhập quân đội của Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn.
Năm 1812-1815: Vua Gia Long cử ông làm Tổng trấn Gia Định lần thứ nhất
Năm 1820: Vua Minh Mạng cử ông vào Nam làm tổng trấn Gia Định thành lần thứ hai, đến khi ông qua đời (năm 1832).

Trấn Gia Định dưới quyền cai quản của ông an ninh luôn được đảm bảo. Khi làm Tổng trấn Gia Định, ông chủ trương khuyến khích mua bán, trao đổi hàng hóa trong vùng và giao thương với người ngoại quốc. Năm 1823, ông cho đào kênh Vĩnh Tế (đến tháng 5 năm âm lịch năm 1824 thì xong) để làm biên giới với Cam-pu-chia. Việc làm này của ông được cho rằng ông có tầm nhìn xa trông rộng về an ninh quốc phòng.
Ông còn cho đào ao, mở kinh thông thương buôn bán, phát triển kinh tế khắp các miền từ Gia Định đến Cà Mau, Đồng Nai. Nhờ vậy mà người dân Gia Định – Sài Gòn – Đồng Nai luôn ghi nhớ công ơn của Tả công Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt còn cho binh lính củng cố thành lũy, chủ động giữ vững an ninh. Ông cũng cho lập ra hai cơ quan từ thiện là “Anh hài” và “Giáo dưỡng”. “Anh hài” là để rèn luyện võ nghệ cho trẻ thích việc kiếm cung, và “Giáo dưỡng” để cho những trẻ khác và quả phụ học văn chương và nghề nghiệp…. Đồng thời ông cũng có cách ứng xử khéo léo, rộng rãi đối với những người phương Tây đến buôn bán ở Sài Gòn, được họ rất nể phục.

Với tài năng và đức độ của ông khi hai lần được cử làm Tổng trấn thành Gia Định dưới triều vua Gia Long và vua Minh Mạng, ông đã thu phục được lòng dân chúng. Nhân dân Gia Định – Sài Gòn coi ông như một vị thần.

Năm 1832: Ông mất, hưởng thọ 69 tuổi. Vua Minh Mạng cho 3000 quan tiền, lại cho tế một đàn nhằm ghi nhận công trạng của ông đối với triều đình. Ông còn được triều đình truy tặng chức “Tá vận công thần đặc tấn Tráng võ tướng quân – Tả quân đô thống phủ chưởng phủ sự, Thái bảo quận công”, thụy là “Oai Nghị”.


Toàn thân tượng đồng Lê Văn Duyệt (đúc vào năm 2008[40]) trong lăng Ông Bà Chiểu.

Do bị bức bách (các tôi tớ của Lê Văn Duyệt bị trị tội sau khi ông mất), Năm 1833, Lê Văn Khôi (con nuôi của Lê Văn Duyệt – ông là Thái Giám nên không có con ruột) cùng 27 người trong đạo lính Hồi lương cầm đầu quân sĩ nổi lên chiếm thành Phiên An. Vua Minh Mạng sai người dẹp biến. Cuộc nổi dậy nhanh kết thúc trong cảnh đẫm máu. Hàng ngàn người theo Lê Văn Khôi bị lôi ra xử chém và chôn chung một hầm tạo nên ngôi “mả Ngụy” trên đất thành

Năm 1835, dù Lê Văn Duyệt đã chết nhưng Phan Bá Đạt dâng sớ kể tội Duyệt xin vua đưa người thân Lê Văn Duyệt về Hình bộ xét tội. Vua Minh Mạng giao cho đình thần nghị xử. Vài hôm sau có nhóm nội các là Hà Quyền, Nguyễn Tri Phương và Hoàng Quýnh nghị tội Lê Văn Duyệt, có bảy tội phải chém, hai tội phải thắt cổ. Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 162 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) đã chép về tội án của Lê Văn Duyệt rất rõ. Theo lệnh vua Minh Mạng, Tổng đốc Gia Định đã đến mộ của Lê Văn Duyệt san bằng mồ mả, xiềng xích khóa lại, dựng bia đá sỉ nhục với tám chữ “Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xử”. (Đây là nơi hoạn quan lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu phạt). Ông chết vẫn bị kết án bảy tội xử trảm (chém), hai tội xử giảo (thắt cổ), một tội phát quân. Tại Huế, con cháu ông từ 15 tuổi trở lên bị xử trảm hàng loạt. Thân sinh bị tước phẩm hàm, bia mộ bị đục xóa, ruộng điền bị tịch thu, nhà thờ họ tộc ở Quảng Ngãi bị đưa voi về tàn phá. Nhân dân Gia Định vô cùng đau xót, bất bình. Đây được coi là một trong hai kỳ án lớn nhất ở triều Nguyễn.

Mãi tới năm 1841, khi vua Thiệu Trị lên ngôi, ngài mới ban lệnh tha tội cho các thân thuộc của Lê Văn Duyệt và Lê Chất.

Đến năm Tự Đức 2 (1849), Đông Các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn dâng sớ xin phục hồi quan tước, gia ơn cho con cháu các công thần, trong đó có Lê Văn Duyệt. Nhà vua xem sớ cảm động, truy phong cho cả ba ông và ban phẩm hàm cho con cháu họ. Nghĩ đến công lao của Tả Quân, vua đã cho nhổ cây bia có khắc 8 chữ, đồng ý cho thân nhân sửa sang xây đắp mộ phần và sửa sang miếu thờ.

Đến năm Tự Đức 21 (1868) vua mới phục nguyên hàm cho Tả Quân Lê Văn Duyệt. Sau này vợ ông là bà Đỗ Thị Phẩn qua đời cũng được chôn cất bên cạnh phần mộ của Tả Quân. Khu mộ nhiều lần được tu bổ, cải tạo ngày càng kiên cố hơn.


Cổng vào Khu Lăng mộ Lê Văn Duyệt – “Lăng Ông Bà Chiểu”, từng được xem là một biểu tượng của Sài Gòn – Gia Định

Khu lăng mộ Tả Quân Lê Văn Duyệt trở thành địa điểm văn hóa, tâm linh với công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc mang đậm nét truyền thống của vùng đất Nam bộ. Về phần kiến trúc, Lăng Ông được xây dựng theo kiểu kiến trúc lăng mộ chung của Miền Tây Nam Bộ. Trước năm 1975, cổng tam quan này được xem là biểu tượng của vùng Sài Gòn – Gia Định xưa. Lăng Ông nằm lọt giữa bốn con đường lớn là Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Vũ Tùng và Trịnh Hoài Đức. Khu lăng mộ Tả Quân Lê Văn Duyệt đã được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia năm 1988.

Câu nói nổi tiếng của ông:
“Làm trai sinh ở thời loạn, nếu không trở thành đại tướng cầm quân, công danh được ghi vào sử sách thì sao xứng là kẻ trượng phu”.

Nguồn tổng hợp

By admin

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *